Khi tôi nộp đơn xin nghỉ việc ở bệnh viện công, một lãnh đạo của bệnh viện hỏi tôi: “Có nghĩ đến bệnh nhân không mà bỏ đi?”. Tôi hiểu ý nghĩa của câu hỏi đấy, rằng tôi chỉ nghĩ đến tiền mà quên mất nhiệm vụ phục vụ bệnh nhân.
Có thể có những trường hợp bác sĩ nghỉ bệnh viện công ra tư nhân sẽ có nhiều tiền hơn, nhưng với trường hợp của tôi, thu nhập có thể nói không khá hơn. Phòng mạch của tôi khá đông bệnh nhân. Thứ bảy, chủ nhật tôi đi khám bệnh và mổ ở các bệnh viện tư. Thu nhập của tôi khi ấy không có gì để phàn nàn.
Đối với những bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên đã có nhiều kinh nghiệm, hoặc có chút tiếng tăm, đặc biệt là đối với những người đang làm việc tại các bệnh viện lớn, họ đều giống như tôi, tư nhân không mang lại thu nhập lớn hơn so với bệnh viện công. Đối với những bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên chưa có nhiều kinh nghiệm, tư nhân có thể mang lại cho họ thu nhập lớn hơn, nhưng lại bấp bênh hơn nhiều so với khi ở trong nhà nước.
Hiện nay có 170 bệnh viện tư nhân, chiếm 14,2% số lượng bệnh viện trên toàn quốc, nhưng chỉ chiếm 4,2% so với số giường bệnh trong cả nước. Có người cho là 50% số bệnh viện tư nhân đang “ngắc ngoải”, sống dở chết dở. Theo tôi thì tỉ lệ đó cao hơn, tuy nhiên, do nhà đầu tư có những lí do riêng nên không muốn mọi người biết tình trạng thật, cố gắng chụp giựt qua ngày, chờ cơ hội tới thì bán kiếm lời. Số những bệnh viện tư sống được không nhiều, và chẳng có bệnh viện nào sử dụng được trên 80% công suất cả.
Về phòng khám, tỉ lệ phòng khám tư nhân có lẽ lớn hơn so với tỉ lệ bệnh viện, nhưng tỉ lệ sống khỏe không nhiều. Một số dùng BHYT như cái phao cứu nguy, nhưng rồi lại bị những qui định, những chuyện khó nói trong lĩnh vực này hành hạ. Số khác thì dựa vào việc khám sức khỏe chất lượng thấp với những gói khám rẻ như bèo, lấy công làm lời.
Nói tóm lại, y tế tư nhân tại nước ta vẫn còn rất nhỏ bé, sự tồn tại và phát triển rất “phập phù”, sống nay chết mai, rất bấp bênh. Cho nên, ngoại trừ những bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên có nhiều kinh nghiệm, có ít nhiều tiếng tăm, là đối tượng săn đuổi của các nhà quản lí, chỗ nào sống được thì trụ luôn, chỗ nào chết thì “di tản” sang chỗ khác dễ dàng. Số còn lại thu nhập rất bấp bênh.
Do vậy, hãy đừng vội cho rằng những nhân viên y tế bỏ bệnh viện công ra tư nhân là vì tiền. Nhân đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ đến những nhân viên y tế nào nghĩ rằng ra y tế tư nhân để kiếm nhiều tiền hơn hãy cân nhắc kĩ. Điều đó chỉ đúng với một vài cơ sở y tế tư nhân hiếm hoi, và lại càng hiếm hoi hơn khi thu nhập đó ổn định.
Cái được lớn nhất của tôi là mỗi tối tôi được ăn cơm chung với gia đình, hàng tuần tôi có ngày Chủ nhật, hoặc ít ra là một buổi chiều cùng gia đình đi ra ngoài… Tất cả những điều này tôi không có được trong suốt thời gian làm tại bệnh viện công. Thậm chí người thân của tôi còn cho rằng tôi chỉ lo chăm sóc cho bệnh nhân, còn họ không nhận được sự quan tâm cần thiết của tôi.
Một cái được nữa là tôi được quyền tự quyết định hướng đi của mình, hướng phát triển chuyên môn mà không phải làm những việc như viết luận chứng kinh tế, đoán ý người này người khác để xin xin xỏ xỏ. Tôi cũng không còn phải lo ngại về những đòn hiểm của một vài đồng nghiệp trong bệnh viện nhà nước ra tay mỗi khi tôi có một kế hoạch gì mà họ cảm thấy bị đe dọa, ngay cả khi tôi đứng ra tổ chức một giải tennis.
Chính từ cái được này mà tôi được một cái rất lớn trong đời: biến ước mơ thực hiện các phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu thành hiện thực. Chỉ sau 2 năm, những gì tôi ấp ủ trong khoảng 10 năm trước đó đều đã thành hiện thực. Từ đó, tôi lại phát triển lên những mong muốn khác.
Nhiều người nói, rằng ra tư nhân hay bị bệnh nhân coi thường. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp một số bệnh nhân không tin tưởng chúng tôi do chúng tôi là tư nhân, họ luôn ở thế phòng thủ và sẵn sàng “xù lông nhím” ngay mỗi khi cảm thấy có gì đó không ổn. Nhưng nhìn chung, tôi được bệnh nhân yêu quí nhiều hơn, có lẽ do tôi có nhiều thời gian trao đổi với bệnh nhân hơn. So với khi còn ở trong bệnh viện công lập, tôi được tôn trọng và yêu quí hơn, rất ít người đưa phong bì cho tôi trước khi mổ và rất nhiều món quà như bông hoa, trái cây, khô, mắm, cua, ghẹ… gởi cho tôi sau khi điều trị xong.
Có thể tôi còn được nhiều hơn chút nữa nếu như tôi không phải là một nhà đầu tư. Cho dù số tiền đầu tư của tôi chẳng thấm vào đâu so với những nhà đâu tư y tế lớn khác, nhưng việc đó cũng đã lấy mất của tôi nhiều niềm vui, nhiều thời gian.
Trước đây, cái mác bác sĩ bệnh viện Chợ rẫy luôn có giá trị mỗi khi tôi bị cảnh sát giao thông dừng xe vì bất cứ lí do gì. Kể từ ngày không còn mang cái mác đó, tôi luôn phải xỏe tiền ra, ngay cả khi biết rằng mình chẳng có lỗi gì và họ chỉ muốn moi tiền của mình mà thôi, nhất là cái vụ bắn tốc độ.
Đi đến những nơi gặp những người không quen biết, như ở các đám cưới đám tiệc, đặc biệt là khi gặp những người thành đạt trong kinh doanh mà người ta hay gọi là đại gia, tôi không còn được hỏi han nhiều so với khi mang cái mác bác sĩ bệnh viện Chợ rẫy như trước đây, thậm chí có người còn kể ra hàng loạt những cái tên to lớn của ngành y cho tôi biết rằng họ quen với cỡ đó (chứ không phải cỡ như tôi).
Tôi không biết đấy là được hay mất, nhưng thực lòng thì tôi rất khó chịu mỗi khi có ai đó biết tôi trong bàn tiệc muốn làm cho mọi người chú ý đến tôi hơn, bằng cách giới thiệu là tôi đã từng làm ở bệnh viện Chợ rẫy. Không phải là tôi không thích cái tên Chợ rẫy, tôi còn tự hào về nó là khác. Nhưng tôi muốn họ tôn trọng tôi vì tôi là tôi, chứ không phải vì tôi gắn với cái tên Chợ rẫy.
Khi còn mang cái mác bác sĩ Chợ rẫy, trong các cuộc vui với các đại gia, tôi toàn được ăn của họ, nói cho đúng, tôi không mất đồng nào với các đại gia và được họ o bế khá kĩ, đôi khi tôi cũng chẳng biết là tại sao. Kể từ khi ra tư nhân, tôi có hợp tác với một vài đại gia và tôi làm việc cho họ tận lực nhưng lại bị mất tiền vào tay họ. Cho dù tôi phòng thủ khá kĩ thì số tiền mất cứ ngày một cao hơn, từ chục lên đến trăm rồi lên đến tỉ.
Đây có thể là một điều tôi được sau khi mất đi một số tiền, có thể gọi là học phí. Đó là nhận ra được thế nào là đại gia, nhận ra được mình đứng ở đâu trong môi trường kinh doanh, và nhận ra được rằng mình phải nhanh chóng điều chỉnh, rằng mình còn quá non nớt khi đứng ra kinh doanh, rằng để làm một doanh nhân thành đạt, nhiệt tình, kiến thức, nhạy bén, chính trực mới là điều kiện cần, bấy nhiêu không thể đủ. Và điều cơ bản là một bài học khá đau lòng: làm thầy thuốc thì lo làm thầy thuốc, đừng ti toe làm doanh nhân.
Trước khi quyết định nghỉ việc ở bệnh viện công, có nhiều chỗ “dạm hỏi” tôi, sắp sẵn cho tôi những vị trí cao trong những bệnh viện tư, hứa hẹn sẵn sàng đầu tư mở rộng bệnh viện, mua sắm trang thiết bị theo yêu cầu của tôi. Nhưng đến thời điểm quyết định, họ không có tiền, vì lúc đó có bao nhiều tiền họ đầu tư vào chứng khoán, vì chứng khoán đang mang lại lợi nhuận khủng cho họ.
Tôi đã rút ra bài học, rằng mục đích của nhà đầu tư là lợi nhuận, mục đích của họ và của tôi khác xa nhau quá, tôi không thể phụ thuộc vào họ được. Như vậy, trong thời buổi nhập nhoạng của nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa này, nếu muốn đầu tư nghiêm túc cho y tế, tôi phải tự đầu tư cho mình. Tôi đã trở thành doanh nhân như vậy đấy.
Và bây giờ, khi biết rằng mình không thể hội đủ các điều kiện để có thể trở thành một doanh nhân thành đạt, phải điều chỉnh lại giấc mơ, điều chỉnh lại những tiêu chuẩn do mình đặt ra, hạ xuống cho ngang bằng với mặt bằng chung của xã hội, tôi đang mất dần nhiệt huyết để xây dựng nên một cơ sở y tế thực sự mang tầm vóc quốc tế, đồng thời phù hợp với văn hóa Việt nam. Đó chính là cái mất lớn nhất của tôi.