Nghề hộ sinh hay như cách gọi thông thường là nghề đỡ đẻ được đào tạo ở hầu hết các trường Trung học hay Cao đẳng Y tế của các tỉnh. Nếu thí sinh có nguyện vọng học và làm nghề này có thể dễ dàng tìm thấy các khóa đào tạo hộ sinh tại các trường Trung cấp Y tế tại tỉnh mình. Ngoài ra, các Trường ĐH như ĐH Y Thái Bình, ĐH điều dưỡng Nam Định, ĐH Y dược TP.HCM… cũng mở lớp hộ sinh hệ trung cấp để đáp ứng nhu cầu của thí sinh và xã hội.
Xã hội luôn cần những nữ hộ sinh. Xã hội có nhu cầu, nhiều trường đào tạo, điểm đầu vào không cao đối với nghề hộ sinh là một số lí do khiến các học sinh nữ lựa chọn học nghề này. Ông Vũ Như Thắng – Hiệu trưởng Trường TH Y tế Hà Tây cho biết: “Điểm đầu vào của các lớp hộ sinh thường không cao, chỉ khoảng từ 10 đến 12 điểm, thi hai môn Toán , Sinh. Như Trường Y tế Hà Tây, một khóa lấy 100 em nhưng tỉ lệ chọi cũng chỉ là 1 chọi 2”.
Theo đánh giá của ông Thắng, hiện nay, các cụm y tế thôn bản rất cần các nữ hộ sinh. Lấy ví dụ ở Hà Tây, toàn tỉnh hiện có 2100 thôn nhưng mới có 1700 thôn có nữ hộ sinh. Như vậy, nhu cầu trong nội bộ tỉnh cũng đã là khá lớn. Nhiều nữ hộ sinh tương lai khi được hỏi về lí do chọn nghề đều đưa ra những suy nghĩ hết sức thực tế: “Em chọn nghề hộ sinh vì thấy thôn mình, xã mình còn thiếu những người làm được việc đó. Cô em, chị em khi mang thai không có cán bộ y tế theo dõi. Khi sinh lại phải ra tận bệnh viện huyện. Vả lại, sức học của em có hạn, thi trung cấp nhưng ra trường có việc làm ổn định là được.”- Nguyễn Thị Nga (lớp hộ sinh 7B – TH Y tế Bắc Ninh) quê ở Lục Ngạn – Bắc Giang tâm sự.
Có những học sinh thực sự thích và yêu nghề “đỡ đẻ”, Nguyễn Thanh Bình – Lớp Hộ sinh 21A, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ nói về lí do chọn nghề của mình: “Em thích được gọi là bà mụ. Thích nhìn thấy sự ra đời của những đứa trẻ. Thích được là người đầu tiên đón chào những con người, những số phận, những cuộc đời mới”. Bùi Thị Mai (Lớp hộ sinh 16 – Trường TH Y tế Hà Tây) lại quyết định gắn bó với nghề hộ sinh bởi một lí do rất nghiêm túc: “Làm hộ sinh để thấy mình được tôn trọng, thấy mình có trách nhiệm. Vì mỗi ca đỡ đẻ thành công, em cứu được một lúc tới hai người”.
Hộ sinh học gì và làm việc tại đâu?
Học sinh khi thi đỗ vào các lớp hộ sinh, ngoài việc được trang bị khá đầy đủ những kiến thức y học cơ bản, sẽ được học các môn chuyên khoa Sản. Với các môn học liên quan đến bà mẹ và trẻ em nghe rất lạ tai như: Chăm sóc bà mẹ trong thời kì thai nghén, Sức khỏe phụ nữ, Chăm sóc trẻ sau sinh…
Khóa học hộ sinh thường kéo dài hai năm rưỡi. Mặc dù là hệ trung cấp nhưng vì đây là ngành học liên quan đến tính mạng con người nên các thầy cô yêu cầu học sinh học tập một cách rất nghiêm túc. Lớp có khoảng 50 người, không có nổi một nam sinh. Học nghề chăm sóc phụ nữ, lớp lại toàn nữ nên rất rôm rả. Mọi vấn đề chuyên môn được trao đổi thẳng thắn mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào. Giờ thực tập tại bệnh viện luôn hữu ích với các nữ hộ sinh. Giờ thực tập tại bệnh viện luôn hữu ích với các nữ hộ sinh.
Sau ba tháng nhập học, các nữ hộ sinh tương lai được thực tập ngay tại khoa Sản tại các Bệnh viện đa khoa của tỉnh. Cấn Thị Bích Nga – Lớp hộ sinh 16, TH Y tế Hà Tây kể: “Bọn em tới Bệnh viện đa khoa Hà Tây thực hành. Thường là tới viện từ 7 giờ sáng. Giao ban xong, bọn em trực ở viện đến 11 giờ. Buổi chiều, lên lớp học lí thuyết. Có nhiều bạn trực tại viện vào thứ 7. Làm nhiều việc nhưng bọn em học được nhiều kĩ năng và kiến thức Sản khoa ở đây”.
Tại bệnh viện, học sinh được làm việc như một nữ hộ sinh thực thụ: phụ giúp bác sĩ tiêm, truyền cho bệnh nhân, chăm sóc sản khoa, lập hồ sơ bệnh án. Chị Hoàng Thị Dung đã tốt nghiệp lớp hộ sinh 22, Cao đẳng Y tế Hà Nội, hiện đang công tác tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương khẳng định: “Tôi rất tự tin ngay từ khi mới công tác. Được thực hành nhiều tại bệnh viện, nên khi ra làm, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn để làm quen với công việc”.
Có nhiều sự lựa chọn cho học sinh học nghề này khi ra trường. Tùy từng điều kiện cụ thể, các em có thể về công tác tại khoa Sản của các bệnh viện, tại Phòng y tế của huyện, Trạm y tế của xã, thậm chí nữ hộ sinh thôn cũng có rất nhiều việc để làm. Ông Thắng – Hiệu trưởng Trường TH Y tế Hà Tây cho biết thêm: “Nhiệm vụ của nữ hộ sinh thôn, xã khá quan trọng. Ngoài việc cần có khả năng đỡ đẻ thường, họ phải làm nhiều công tác chăm sóc bà mẹ trước khi sinh. Một người vừa làm, vừa bao quát các công việc như khám thai cho bà mẹ định kì, theo dõi các tai biến sản khoa, tiêm phòng uốn ván, tiêm chủng… Nói chung, rất nhiều việc cần đến bàn tay của hộ sinh”. Lê Thị Bảnh – Lớp hộ sinh 15, TH Y tế Hà Tây hứng khởi nói về tương lai của mình: “Tương lai của em không hẳn phụ thuộc vào việc mình phải học ĐH. Học trung cấp nhưng em rất vui vì được học đúng nghề mình thích. Em sẽ xin về xã làm việc, sau này đi học thêm lên để thành một “ bà mụ” chuyên nghiệp”.