4 kinh nghiệm đi phỏng vấn điều dưỡng dành cho sinh viên mới ra trường
Cập nhật lần cuối 10:10:07 / 10-05-2018

Bạn là sinh viên mới ra trường, bạn đang trong quá trình nộp hồ sơ phỏng vấn khắp nơi? Bạn đã từng đi phỏng vấn ở nhiều nơi mà vẫn luôn thất bại? Đừng lo, chúng tôi sẽ mách bạn 4 kinh nghiệm cần biết khi đi phỏng vấn xin việc ngành điều dưỡng nhé!

1. Tập giới thiệu bản thân với bạn cùng phòng hay người thân của mình
99% cuộc phỏng vấn đều được bắt đầu bằng phần giới thiệu bản thân.
Tuy nhiên, đa số các bạn chưa biết giới thiệu bản thân cách nào sao cho thuyết phục, và nên giới thiệu về những điểm gì?
Một ngày, số lượng ứng viên mà một nhà tuyển dụng phải tiếp đón rất nhiều, vì thế các nhà tuyển dụng thường chỉ dành từ 15 – 20 phút cho một cuộc phỏng vấn cá nhân.
Với lượng thời gian eo hẹp đó, bạn chỉ nên dành ra 2 phút để giới thiệu về bản thân mình, bao gồm các thông tin: tên, tuổi, quê quán, bằng cấp và kinh nghiệm.
Đừng lan man, hãy cố gắng tập trung giới thiệu những kinh nghiệm bản thân có liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Đây mới là thông tin mà các nhà tuyển dụng cần.
Ví dụ: Bạn ứng tuyển vị trí điều dưỡng đa khoa ở Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên, bạn nên giới thiệu kinh nghiệm thực tập của bạn ở Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà chẳng hạn. Bạn thực tập ở đó bao lâu? Đã từng tham gia công việc thực tế hay chưa? Quá trình thực tập của bạn được đánh giá như thế nào?
Không nên giới thiệu: “Khi còn là sinh viên, tôi đã từng làm thêm ở quán ăn ABC để phụ giúp gia đình.” Đây là thông tin ngoài lề, sẽ bị nhà tuyển dụng đánh giá không chuyên nghiệp.

2. Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng
Đây là câu nói nổi tiếng trong Binh pháp Tôn Tử mà hầu hết mọi người từng biết đến.
Nếu nghĩ công dụng của nó chỉ có thể phát huy trên chiến trận thì bạn đã nhầm, biết rõ “đối thủ” và “bản thân” sẽ giúp bạn vượt qua được rất nhiều thử thách trong cuộc sống, mà điển hình trong công cuộc xin việc sau ra trường.
Biết rõ về công ty và vị trí ứng tuyển sẽ mang đến % trúng tuyển cao hơn cho bạn.
Khi đi phỏng vấn tại bất cứ công ty nào, hầu hết các nhà tuyển dụng đều đưa ra câu hỏi: “Bạn đã biết gì về công ty của chúng tôi?” hoặc “Bạn biết gì về vị trí mình ứng tuyển?”.
Một sai lầm thường mắc phải của những sinh viên mới ra trường là không tìm hiểu kỹ về công ty và công việc mình ứng tuyển, đến khi nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi thì chỉ trả lời được vài ý hoặc thậm chí có bạn còn hồn nhiên nói thẳng: “Em chưa biết gì, anh/chị có thể giải thích cho em được không ạ?”.
Dù không nói ra nhưng lúc này, bạn đã bị trừ điểm trong lòng của nhà tuyển dụng rồi đấy.
Vì vậy, trước khi đi phỏng vấn ở bất cứ công ty nào, hãy học thuộc lòng những thông tin về công ty cũng như vị trí mình ứng tuyển bạn nhé!

3. Chuẩn bị trước câu trả lời cho một số câu hỏi thông thường của nhà tuyển dụng
Việc chuẩn bị trước câu hỏi không phải là điều cứng nhắc mà đơn giản là giúp bạn có thể tự tin hơn, trả lời trôi chảy hơn trước mặt nhà tuyển dụng.
Trước thời gian hẹn, bạn nên dành ra một buổi suy nghĩ và liệt kê ra những câu hỏi có khả năng sẽ gặp phải trong buổi phỏng vấn, sau đó tham khảo hoặc tự tìm ra câu trả lời.
Ví dụ với câu hỏi: “Điều gì ở bạn khiến chúng tôi nên chọn một điều dưỡng viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm?”, bạn nên trả lời về thái độ học tập cũng như làm việc chăm chỉ, không ngại khó, về sự đam mê của bạn với công việc chăm sóc con người.
Thái độ cũng là một trong những yếu tố quyết định đến cái nhìn của người tuyển dụng với bạn.
Thiếu cái này ta bù cái kia. Nếu có thể, bạn hãy cho nhà tuyển dụng biết thêm về những kỹ năng mềm mà bạn có ngoài kỹ năng nghề nghiệp như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe người bệnh,…

4. Nguyên tắc vàng: “Ăn mặc lịch sự, luôn luôn lễ phép.”
Đừng bao giờ nghĩ rằng trang phục chỉ là vẻ bên ngoài, không ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của nhà tuyển dụng.
Trang phục lịch sự cùng với việc trang điểm qua trước khi phỏng vấn sẽ khiến người tuyển dụng cảm thấy bạn rất coi trọng cuộc phỏng vấn này và tôn trọng nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, trang phục gọn gàng, có sự đầu tư cũng khiến bạn trông già dặn kinh nghiệm và ra dáng một nhân viên hơn.
“Luôn luôn lễ phép” là nguyên tắc tối thiểu trong giao tiếp hàng ngày. Nếu bạn thể hiện ra mình là người không có quy tắc, hoặc có thái độ ngạo mạn, tự kiêu thì chắc chắn không có công ty nào dám thu nhận bạn.
Đặc biệt với người làm nghề điều dưỡng, cần giao tiếp nhiều với bệnh nhân và người nhà của họ, nếu không có thái độ lịch sự, lễ phép, chắc hẳn bạn sẽ không được đánh giá cao về chuyên môn, nghiệp vụ.