Sau khi vượt qua vòng hồ sơ, các ứng viên lại tiếp tục đến với vòng loại thứ hai – phỏng vấn trực tiếp. Đây có thể xem là vòng quyết định xem ứng viên đó có được nhà tuyển dụng lựa chọn hay không. Vậy đâu là các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành bại của một cuộc phỏng vấn? cần chuẩn bị những gì và làm cách nào để tạo được sự thiện cảm cũng như ấn tượng tốt của ứng viên đối với nhà tuyển dụng? Các lời khuyện sau đây sẽ giúp ứng viên có cái nhìn tổng quan về việc chuẩn bị tốt nhất cho một buổi phỏng vấn.
1) Tìm hiểu về công ty ứng tuyển
Ngay khi nhận được cuộc gọi hay email về lịch phỏng vấn, bạn hãy nhanh chóng tìm hiểu những thông tin quan trọng về công ty mà mình nộp đơn vào. Thông thường nhà tuyển dụng sẽ cho ứng viên ít nhất một ngày để chuẩn bị trước khi đến với buổi phỏng vấn trực tiếp, vì thế hãy tận dụng quãng thời gian đó để trang bị những kiến thức thật chuẩn về công ty. Cách dễ nhất và hiệu quả nhất là sử dụng website của công ty, hoặc các bạn có thể tham khảo qua Fanpage để biết được rằng công ty đang có những chương trình gì nổi bật, cần nắm rõ những thông tin cơ bản về công ty mà bạn tham gia phỏng vấn như lịch sử hình thành và phát triển, lĩnh vực hoạt động, sản phẩm, khách hàng mục tiêu và nếu có thể, đừng quên tìm hiểu về ban lãnh đạo, chắc chắn rằng nhà tuyển dụng sẽ có được ấn tượng tốt nếu bạn đã tìm hiểu kỹ và có thể biết được ai là người đang từng ngày đưa công ty phát triển.
2) Nghiên cứu các câu hỏi tiềm năng
Bạn hoàn toàn có thể đoán trước những câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể đưa ra và chuẩn bị các câu trả lời thật hoàn hảo. Ngoài những câu hỏi mang tính chuyên môn về vị trí và lĩnh vực mà bạn ứng tuyển, thì nhà tuyển dụng thường đưa ra những câu hỏi như: “Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ? Điểm mạnh, điểm yếu của bạn là gi? Bạn biết gì về công ty chúng tôi? Tại sao bạn lại muốn làm việc ở đây?” …
Các câu hỏi này thường sẽ cho thấy được tính cách cũng như cái tôi riêng của từng ứng viên, từ đó giúp nhà tuyển dụng có thể lựa chọn được ứng viên phù hợp cho vị trí mà công ty đang tuyển dụng.
3) Hãy đến địa điểm phỏng vấn trước
Hãy dành ít phút để đến địa điểm mà bạn được sắp xếp trước khi buổi phỏng vấn diễn ra ngay cùng với quãng thời gian mà bạn sẽ tham gia phỏng vấn trong tương lai. Điều này sẽ giúp bạn nắm được tình hình giao thông và ứơc lượng thời gian đi từ nhà đến buổi phỏng vấn để tránh bị trễ giờ, ngoài ra việc “diễn tập” này còn giúp bạn tránh được tình trạng lạc đường nếu như bạn không am hiểu đường đi đến buổi phỏng vấn.
4) Chuẩn bị trang phục phỏng vấn
Trang phục đến với buổi phỏng vấn không nên quá màu mè hay kiểu cách, hãy lựa chọn cho mình một bộ trang phục nền nã, lịch sự, nhưng không được quá xuề xòa, nên nhớ rằng trang phục là điểm đầu tiên mà người phỏng vấn nhìn thấy ở bạn trước khi đến với các câu hỏi phỏng vấn, vì thế một bộ trang phục chỉn chu cũng thể hiện rằng bạn đang tôn trọng công ty cũng vị trí mà mính ứng tuyển. Đối với nữ, bạn có thể chọn sơ mi trắng/màu cùng với chân váy công sở màu đen và giày sandal hoặc cao gót (< 7cm), còn với các bạn nam thì sơ mi, quần tây và một đôi giày cùng màu là sự lựa chọn hoàn hảo, nếu vị trí mà bạn tham gia phỏng vấn là cấp bậc quản lý hay trưởng phòng, cần thêm cho mình một chiếc cà vạt nhằm thể hiện sự trang trọng.
5) Bạn có câu hỏi nào không?
Khi kết thúc một buổi phỏng vấn, bao giờ nhà tuyển dụng cũng sẽ đề nghị “Bạn có muốn đặt câu hỏi/Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?” Đây có thể xem như là một cơ hội vàng để bạn có thể “bật lại” và cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là người phù hợp nhất cho vị trí mà họ đang thiếu. Hãy thể hiện rằng bạn rất quan tâm đến sự phát triển của công ty và luôn muốn được gắn bó lâu dài với họ thông quan các câu hỏi như “Mục tiêu phát triển của công ty trong 5-10 năm nữa là gì?, Cơ hội thăng tiến ở vị trí này trong 3-5 năm tiếp theo?..” , ngoài ra những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tính chất công việc mà bạn đang ứng tuyển “Anh/Chị có thể nói rõ hơn về những công việc không có trong bảng miêu tả công việc? Thử thách cũng như khó khăn nhất khi đảm nhiệm vị trí này là gì? Yếu tố quan trọng nào giúp đạt được thành công ở vị trí này? ...”
Cuối buổi phỏng vấn, đừng quên yêu cầu nhà tuyển dụng các thông tin sau “Trong bao lâu sẽ có kết quả phỏng vân? Nếu trúng tuyển thì thời gian nhận việc là khi nào?”