Cần đưa hộ sinh thành nghề độc lập
Cập nhật lần cuối 10:39:48 / 28-10-2019

Theo đánh giá mới nhất năm 2014 của Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện có khoảng 23.000 hộ sinh, chỉ có khả năng đáp ứng được 83% nhu cầu. Tỷ lệ hộ sinh trên tổng số dân hiện ở mức thấp (3,5 hộ sinh/10.000 dân). Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho rằng, đây là lực lượng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc y tế nói chung, làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh nói riêng…


Làm ngày làm đêm vẫn không hết việc

Chị Cao Thị Nghĩa (45 tuổi) hiện là nữ hộ sinh duy nhất tại Trạm Y tế xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Làm công việc nữ hộ sinh từ 26 năm nay, chị Nghĩa cho hay, trung bình mỗi năm chị đỡ đẻ khoảng 300 ca, cao điểm có ngày 3 - 4 ca. Đếm đi đếm lại, trong xã hơn 12.700 dân này, hầu hết trẻ em, thanh niên ở đây đều do chị đỡ đẻ. Đặc biệt, chưa có một trường hợp tai biến sản khoa nào khi sinh tại trạm.

Theo mô tả của chị Nghĩa, một ngày, ngoài việc đỡ đẻ, chị phải “ôm” đến hơn 60% số lượng công việc của cả Trạm Y tế xã, từ quản lý thai nghén, khám thai, tư vấn sức khỏe sinh sản, đặt dụng cụ tử cung (đặt vòng tránh thai) đến quản lý chương trình dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trong xã. Đó là chưa kể chồng cao sổ sách chị phải hoàn thành và báo cáo cuối tháng, cuối quý. “Hầu như ngày nào tôi cũng phải làm việc cả ngày lẫn đêm tại trạm hoặc ở nhà, thế mà vẫn không “ôm xuể” khối lượng công việc này”, chị Nghĩa tâm sự.

Chị Nghĩa kể, mỗi khi có một sản phụ tới Trạm Y tế xã chờ sinh, chị phải khám thai, kiểm tra thai, theo dõi chuyển dạ. Nếu sản phụ đẻ thường, chị sẽ phải đảm nhiệm từ đầu đến cuối ca đẻ, bao gồm cả chăm sóc sau sinh cho mẹ và bé. Nếu phát hiện các dấu hiệu sản phụ có nguy cơ cao (ngôi ngược, vỡ ối non, rau bong non...), quá khả năng của Trạm Y tế xã, chị sẽ đề nghị chuyển tuyến bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu, cách trung tâm xã Diễn Thịnh chừng 5 km.

BS Nguyễn Bá Tân – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Nghệ An cho biết, trên toàn tỉnh Nghệ An, hầu hết 480 xã, thị trấn đều có nữ hộ sinh và bác sĩ đa khoa. Và các nữ hộ sinh đều phải làm tất cả những công việc như chị Nghĩa.

“Nghe thì đơn giản, nhưng để nữ hộ sinh phát hiện và tiên lượng yếu tố nguy cơ trong một ca đẻ như chị Nghĩa là rất khó, không phải cứ được đào tạo là tất cả đều làm được. Do đó, nếu xét về mặt số lượng thì Nghệ An không thiếu hộ sinh, nhưng khối lượng công việc của họ quá vất vả và quá nhiều. Quan trọng hơn, Nghệ An đang rất thiếu hộ sinh có chất lượng. Bởi điều đó sẽ làm giảm tối đa các trường hợp tử vong mẹ, tử vong sơ sinh. Đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người”, BS Nguyễn Bá Tân nói.

Đó là tình trạng không chỉ riêng Nghệ An – địa phương có tới gần 50.000 ca đẻ một năm, mà còn của chung cả nước.


Góp phần giảm tử vong mẹ, trẻ sơ sinh

Theo đánh giá mới nhất năm 2014 của Bộ Y tế, tại Việt Nam, lực lượng hộ sinh hiện có vào khoảng 23.000 người, chỉ có khả năng đáp ứng được 83% nhu cầu, lại được phân bổ không đồng đều theo dân số và vùng, miền. Tỷ lệ hộ sinh trên tổng số dân hiện ở mức thấp (3,5 hộ sinh/10.000 dân), có khoảng 5% trạm y tế xã (tương đương 517 xã) ở vùng sâu, vùng xa chưa có cán bộ hộ sinh; khoảng 17% phụ nữ - chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển - chưa được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc SKSS.

PGS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Tình trạng mẹ sinh con tại nhà, không được cán bộ y tế đã qua đào tạo hỗ trợ hiện còn khá phổ biến ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... bên cạnh đó sự thiếu hụt về lực lượng hộ sinh (tập trung tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa) nên tỉ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế qua đào tạo còn thấp,tỉ số tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh ở những vùng này còn cao gấp từ 3 - 4 lần so với mặt bằng chung cả nước.

Còn theo PGS.TS Lưu Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế), trong 595 đơn vị hành chính tuyến huyện của cả nước hiện nay, chưa có đến 1 bác sĩ chuyên ngành sản khoa/1 bệnh viện tuyến huyện. Ở những nơi như Tây Bắc, Tây Nguyên, con số này chưa đến 0,5. Do đó, gánh nặng vai trò sản – nhi đối với nữ hộ sinh là rất lớn.

Về một thực tế hiện nay, không ít thai, sản phụ khi vào viện chờ sinh có băn khoăn về việc “chỉ” được nữ hộ sinh tiếp đón và kiểm tra theo dõi thai mà không phải là bác sĩ sản khoa. Họ nghi ngờ có sự “phân biệt đối xử” ở đây. PGS.TS Lưu Thị Hồng trao đổi, chức năng, trách nhiệm của nữ hộ sinh tại bệnh viện là theo dõi thai và đỡ đẻ thường, phát hiện kịp thời những bất thường, có nguy cơ cao để báo cho bác sĩ cao hơn (trưởng tua trực hoặc bác sĩ chịu trách nhiệm trong nhóm) để có những xử trí, can thiệp kịp thời, chính xác, giảm tai biến cho mẹ và trẻ sơ sinh. Điều đó đã được quy định, phân cấp trong từng bệnh viện. “Tất nhiên là phát hiện sớm, tiên lượng khó khăn được bất thường phải phụ thuộc vào trình độ, kỹ năng của nữ hộ sinh”, PGS.TS Lưu Thị Hồng nói. 

Việt Nam có khoảng 1 - 1,2 triệu trẻ được sinh ra vào mỗi năm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, hầu hết các ca tử vong này đều có thể phòng tránh được nếu vai trò của cán bộ hộ sinh được đề cao hơn nữa và tất cả các bà mẹ đều nhận được sự trợ giúp kịp thời từ lực lượng này.

Nhận sự Tư vấn Hỗ trợ Cấp Chứng chỉ hành nghề Y Dược tại Rolatex.net và Tuyendungyduoc.vn
Liên hệ: 096 229 3232 hoặc 0866 5959 32
Email: hotro@tuyendungyduoc.vn