Để trở thành bác sĩ nhãn khoa
Cập nhật lần cuối 09:25:31 / 05-06-2019

Với số lượng giới hạn các sinh viên được thu nhận và huấn luyện hàng năm chỉ tại hơn 20 đại học Nhãn Khoa trên toàn nước Mỹ, các bác sĩ Nhãn Khoa có một thị trường việc làm khá thuận lợi và không chịu nhiều cạnh tranh nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Với mức lương trung vị vào khoảng $110,000/năm (theo số liệu từ Bộ Lao Động), cùng một tỉ lệ phát triển nghề nghiệp cao khi dân số lão hóa cùng các bệnh tật tăng cao, ngành Nhãn Khoa là một trong những chọn lựa khác trong lĩnh vực Y Khoa để các bậc phụ huynh lưu tâm nhằm đồng hành và hướng dẫn ngành nghề cho con em. Trên chuyên mục hôm nay, xin mời các bạn cùng gặp gỡ Bác Sĩ Nhãn Khoa Trương Linh Ân – tốt nghiệp Đại Học Nhãn Khoa Nova South Eastern University, hiện đang cư ngụ và hành nghề tại Atlanta, Georgia để có thêm đôi thông tin về ngành Nhãn Khoa.

Đinh Yên Thảo (ĐYT): – Người ta có đến 32 cái răng nhưng chỉ có hai con mắt, làm Bác Sĩ Nhãn Khoa nhàn hơn Nha Sĩ đúng không BS Linh Ân (cười)? Một ngày làm việc của BS Nhãn Khoa là như thế nào?


Bác Sĩ Trương Linh Ân (BS LA): – Cũng có thể nói như vậy (cười). Nói vậy chứ tuy Bác Sĩ Nhãn Khoa chỉ có hai con mắt để chăm sóc, nhưng cũng không có nghĩa là kém phần quan trọng vì có rất nhiều bịnh tình trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến đôi mắt. Nói chung là trong một ngày làm việc của BS Nhãn Khoa thường gồm các công việc khám tổng quát cho sức khoẻ của mắt như kiểm tra thị lực, đo nhãn áp (eye pressure for glaucoma), đo độ mắt kính hoặc kính áp tròng (contact lenses), kiểm tra các dấu hiệu về bịnh tật liên quan đến  mắt như cườm (cataract), tiểu đường, cao máu, cao mỡ, khối u …


KTT1

Bác Sĩ Linh Ân đang khám mắt cho một bệnh nhân

ĐYT: – Bộ Lao Động Hoa Kỳ cho biết có khoảng 40 ngàn BS Nhãn Khoa đang hành nghề và ước tính nhu cầu cùng tỉ lệ phát triển vào khoảng 18% cho đến năm 2026. Như vậy triển vọng về ngành Nhãn Khoa khá lạc quan phải không?


BS LA: – Dạ vâng!  Nhất là trong thời đại này, chúng ta dùng con mắt mình nhiều hơn hết với tất cả kỹ thuật hiện có cùng thời gian dán mắt vào màn hình, điện thoại.


ĐYT: – Quả là vậy khi trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử cùng điện thoại thông minh hiện nay rất sớm. Một số em học sinh muốn theo đuổi ngành Y nhưng có vẻ như nhắm đến các ngành nghề Bác Sĩ, Nha Sĩ và Dược Sĩ nhiều hơn Nhãn Khoa. Nếu có em nào muốn theo ngành này thì chương trình học để trở thành một BS Nhãn Khoa hay chuyên ngành sâu hơn thì như thế nào và có gì khác hơn các chương trình y khoa vừa kể?


BS LA: – Cũng không khác biệt gì lắm. Cũng giống như các ngành y khoa khác, nó cũng cần các môn khoa học cơ bản theo yêu cầu (prerequisites) như Hoá học, Hoá Sinh, Sinh học, Hữu cơ, Vật lý, Giải phẫu học… tại đại học. Sau đó thì các em sẽ phải tham dự kỳ thi sát hạch OAT (Optometry Admission Test), tương tự như PCAT của Dược Khoa hay DAT của Nha Khoa để được chấp nhận vào trường Nhãn Khoa. Một khi được chấp thuận vào trường Nhãn Khoa thì các em sẽ theo học bốn năm, trong đó hai năm cuối là để thực tập và tập sự thực tế bên ngoài. Sau khi tốt nghiệp Bác Sĩ Nhãn Khoa (O.D – Doctor of Optometry) thì các sinh viên sẽ thi ba phần của kỳ thi quốc gia NBEO (National Board Exam of Optometry) và của tiểu bang (State Board) để được chính thức hành nghề. Hàng năm phải tiếp tục lấy các chứng chỉ chuyên môn để được tái gia hạn giấy phép, điều luật này thay đổi tùy thuộc theo từng tiểu bang.


ĐYT: – Theo Linh Ân thì yếu tố nào quan trọng nhất để theo đuổi ngành Nhãn Khoa, làm về mắt ắt có sự tỉ mỉ và chính xác?


BS LA: – Theo em, yếu tố quan trọng nhất để theo đuổi ngành Nhãn Khoa là lòng yêu thương mọi người, muốn giúp đỡ mọi người cùng sự cần mẫn.


KTT2

Gia đình BS Linh Ân và mẫu đầm cô tự tay may cho các con

ĐYT: – Nếu điều này thì rất đúng cho ngành y tế nói chung và cũng rất vui khi giới chuyên gia trẻ như Linh Ân nhắm đến những mục tiêu nghề nghiệp cao đẹp như vậy. Chúng ta cần điều này. Giả sử muốn thuyết phục các em học sinh theo học ngành Nhãn Khoa thì Linh Ân sẽ nói những gì? Cái được mất, vui buồn của nghề này là gì?


BS LA: – Nói chung, trong các công việc ngành Y thì Nhãn Khoa ít khi gặp stress trong công việc, giờ giấc làm việc uyển chuyển hơn. Nó là một công việc tuyệt vời để cho mình một kiểu sống mình muốn sống và có thể chu toàn cho gia đình.


ĐYT: – Nghe có vẻ là nghề nhẹ nhàng và hấp dẫn vậy, có thể đó là lý do mà phụ nữ theo học ngành này đông hơn nam giới chăng?  Cũng theo thống kê đã nhắc bên trên thì hơn phân nửa BS Nhãn Khoa mở văn phòng hành nghề riêng. Nếu không mở văn phòng thì có thể làm những công việc gì, ở đâu và với ai?


BS LA: – Nếu không mở văn phòng riêng, mình có thể làm chung với các Bác Sĩ chuyên khoa về mắt khác (Ophthalmologist – MD), có thể làm cho các hệ thống tiệm mắt kính như Lenscrafters, Vision Works, hoặc làm cho các bịnh viện cựu chiến binh (VA hospital) hay cho quân đội, hải quân…


ĐYT: – Còn nếu muốn mở một văn phòng hành nghề thì sao, có khó khăn và tốn kém nhiều chi phí không? Một BS Nhãn Khoa ra trường bao lâu thì đủ khả năng để mở và quản trị, điều hành văn phòng riêng của mình?


BS LA: – Câu trả lời này thật sự tuỳ theo khả năng của mỗi người.  Chi phí để mở một văn phòng Nhãn Khoa cũng không phải là nhiều lắm, có thể trung bình vào khoảng 150 ngàn đô la.  Em biết có nhiều đồng nghiệp đã mở văn phòng hành nghề riêng ngay sau khi tốt nghiệp và công việc rất là thuận lợi.

Nhận sự Tư vấn Hỗ trợ Cấp Chứng chỉ hành nghề Y Dược tại Rolatex.net và Tuyendungyduoc.vn
Liên hệ: 096 229 3232 hoặc 0866 5959 32
Email: hotro@tuyendungyduoc.vn