Hơn 10 năm trở lại đây, nghề trình dược viên trở thành một công việc hấp dẫn với thu nhập khá cao. Tuy nhiên có những góc khuất chỉ người trong nghề mới hiểu.
Tất bật sớm tối
Sáng sớm một ngày đầu tháng 5, chúng tôi có mặt tại căn nhà trọ trên đường Hoàng Diệu (TP Hải Dương) của anh Nguyễn Văn H. (30 tuổi) quê ở huyện Thanh Miện. Anh H. thường được anh em trong nghề trình dược viên (TDV) gọi bằng một cái tên khác là “H. toác” vì anh có tài ăn nói, giọng lúc nào cũng sang sảng.
7 năm nay, công việc đầu tiên trong ngày của anh H. là mở máy tính để check email từ công ty. Nội dung email thường là những trao đổi về công việc hằng ngày như: kiểm tra đơn thuốc, loại thuốc nhập về; thống kê nợ của các quầy thuốc, chương trình khuyến mãi mới của công ty, giá các sản phẩm... Thậm chí, có cả danh sách và chế độ chăm sóc với từng bác sĩ, khách hàng lớn đang hợp tác kinh doanh.
- Tôi tưởng các bạn phải đến văn phòng để họp triển khai công việc đầu tuần chứ? - tôi thắc mắc.
- Không anh ạ. Công ty chỉ có văn phòng ở Hà Nội. Mọi trao đổi công việc đều qua email. Hằng ngày, chúng em chủ động lên kế hoạch làm việc của mình, đến cuối ngày báo cáo kết quả về cho công ty - anh H. đáp.
Các TDV thường rất năng động, chịu khó. Hằng ngày, họ rong ruổi đến các quầy bán thuốc, bệnh viện tư nhân, bệnh viện đa khoa các cấp ở khắp mọi nẻo đường từ thành phố đến làng quê. Anh H. cho biết: “Mỗi TDV được phân công phụ trách từ 2-3 huyện với hàng trăm quầy thuốc. Bọn em có trách nhiệm duy trì các mối quan hệ để bảo đảm số lượng thuốc xuất ra của công ty. Bên cạnh đó còn phải quan tâm mở rộng địa bàn và số lượng khách hàng. Công việc cũng căng thẳng lắm”.
Một TDV có khi di chuyển đến 200 km/ngày. Họ giới thiệu các loại sản phẩm mới của công ty cho khách hàng. Khi khách hàng có yêu cầu, các TDV sẽ báo cho công ty để chuyển hàng về. Sau một tuần, TDV sẽ quay trở lại để thanh toán và tiếp tục nhập đơn hàng mới cho khách.
Công việc vất vả nhưng bù lại nhiều TDV đã có khoản thu nhập vài chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên để đạt được thành quả đó, họ phải thật sự nỗ lực. Anh H. chia sẻ: “Bước vào nghề TDV là bắt đầu chuỗi ngày đầy vất vả, nắng hay mưa vẫn cứ phải rong ruổi trên khắp các con đường để tìm kiếm và duy trì quan hệ với các đối tác. Trải qua 3 tháng ròng rã với mức lương tầm 4 triệu đồng/tháng chỉ đủ cho sinh hoạt hằng ngày, đã có lần tôi muốn từ bỏ nghề này, nhưng cứ cố gắng cuối cùng tôi cũng đã có thành công nhất định”. Sau gần 1 năm lăn lộn, những hợp đồng bán thuốc dồn dập về với anh H. Theo quan điểm của anh thì công việc này không cần phải có bất kỳ trò PR nào ngoài uy tín và chất lượng của sản phẩm. Hơn nữa, hiện nay các công ty dược rất quan tâm, tổ chức thành nhiều chiến dịch trên các phương tiện truyền thông đại chúng để quảng bá sản phẩm thuốc nên TDV cũng không mất nhiều công quảng cáo.
Câu chuyện "hoa hồng"
Trình dược viên phải có kiến thức y dược để tư vấn về sản phẩm cho các nhân viên quầy thuốc, hiệu thuốc
Hiện nay, các TDV đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ta theo hai lĩnh vực giới thiệu sản phẩm là ETC và OTC. Về cơ bản thì chúng đều là giới thiệu các loại thuốc nhưng sản phẩm có sự khác biệt rất lớn. Trình dược thuốc ETC là quảng cáo những loại thuốc theo đơn kê, được hướng dẫn và có sự theo dõi từ bác sĩ. Còn trình dược thuốc OTC sẽ giới thiệu các loại thuốc sử dụng mà không cần chỉ dẫn và sự theo dõi từ bác sĩ.
Không khó để bắt gặp những mẩu tin tuyển dụng TDV trên mạng xã hội với những điều kiện hết sức đơn giản. Bạn chỉ cần tốt nghiệp THPT, chăm chỉ, nhiệt tình, có tinh thần cầu tiến trong công việc… là đã có thể đăng ký dự tuyển với mức thu nhập khởi điểm khoảng 7 triệu đồng/người/tháng (chưa kể phụ cấp xăng xe, cầu đường). Sau khi trúng tuyển, bạn sẽ được đào tạo về nghệ thuật chào bán hàng vào nhà thuốc, chăm sóc và thúc đẩy bán hàng tại các nhà thuốc theo địa bàn đã phân công; nhận các đơn đặt hàng, thu thập thông tin sản phẩm, phản hồi của khách hàng, hoạt động của đối thủ cạnh tranh; phương thức triển khai đầy đủ, chính xác các chương trình khuyến mãi và các chính sách, thông tin từ công ty tới các nhà thuốc mà mình phụ trách. Người đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng dược sẽ được ưu tiên hơn. Tuy nhiên trên thực tế rất nhiều người không biết gì về y dược cũng đi làm TDV. Họ chỉ cần chăm sóc chu đáo một vài bác sĩ tại phòng khám là đã có thể tiêu thụ được thuốc.
Anh Trần Anh T. (32 tuổi) ở huyện Ninh Giang làm TDV được 4 năm nay cho biết: “Trước đây tôi tham gia bán hàng đa cấp. Khi nhận thấy cơ hội trong nghề này tôi quyết định tham gia ngay. Thời điểm mới vào nghề, tôi được công ty cho đi học hỏi trực tiếp tại các bệnh viện từ 3-4 tháng thông qua một khóa đào tạo đơn giản về sản phẩm thuốc. Còn lại, chủ yếu là học hỏi kỹ năng chào mời để lấy lòng bác sĩ và khách hàng”.
Cũng theo anh T., làm việc với các chủ quầy thuốc khá đơn giản, chỉ cần đến chào mời, giới thiệu sản phẩm, giá cả cạnh tranh là có thể xuất được hàng. Nhưng số lượng không được nhiều vì có quá nhiều cửa hàng bán thuốc ở các địa phương. Do đó, các TDV thường tiếp cận đội ngũ bác sĩ để giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt là những loại thuốc đặc trị các bệnh liên quan đến tim mạch, tiểu đường... Những loại thuốc này có giá cao hơn, lợi nhuận cũng nhiều hơn. Để tiếp cận bác sĩ thì đầu tiên phải có quà làm quen. Nếu bác sĩ nào còn dè dặt, thăm dò thì TDV phải gặp nhiều lần hơn mới kết nối được. Thường thì các TDV sẽ xin địa chỉ để đến nhà riêng của các bác sĩ trao đổi công việc.
Làm việc trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người, thiết nghĩ các TDV cần được đào tạo bài bản để có đầy đủ kiến thức về y dược cũng như đạo đức trong công việc. Ngành y tế cũng cần tăng cường công tác quản lý hoạt động TDV để người dân không phải chịu những ảnh hưởng xấu do sự cạnh tranh trong nghề gây ra.