Gửi các Bác sĩ, việc thị trường hóa nhân lực các ngành nghề đã và đang diễn ra mạnh mẽ nhiều năm nay, về lĩnh vực nhân lực y tế cũng không nằm ngoài cuộc. Tuy nhiên, do đặc thù riêng của ngành nghề mà việc thị trường hóa lao động ngành y còn chậm chạp hơn so với các nghành nghề khác. Nhiều Bác sĩ còn chưa quen với việc làm thế nào để soạn một CV tốt, kỹ năng tham gia phỏng vấn hiệu quả để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nhằm kiếm được những công việc theo ý muốn với thu nhập cao. Sau đây, chúng tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm:
1- HÃY SOẠN MỘT CV THẬT TỐT: Lời khuyên của chúng tôi là các bạn hãy chuẩn bị sẵn cho mình một CV thật tốt để sẵn sàng “phóng đi” bất cứ đâu. Vậy một CV tốt là gì? ngoài các thông tin cơ bản về cá nhân, số điện thoại hay email liên hệ, bạn cần nêu bật các thành tích học tập của bạn trong suốt quá trình học, ít nhất là quá trình học đại học. Chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và các khen thưởng trong quá trình công tác. Tùy vào vị trí công việc bạn sắp ứng tuyển mà bạn có thể chỉnh sửa nội dung CV cho phù hợp, bạn phải bám vào yêu cầu của nhà tuyển dụng cho vị trí bạn ứng tuyển nhé, theo đó nhà tuyển dụng sẽ rất ấn tượng với CV của bạn và họ cảm thấy bạn chính là người họ đang tìm. Bạn đừng quên là CV của bạn phải rõ ràng và trình bày chuyên nghiệp nhé ban.
2- HÃY TÌM HIỂU VỀ ĐƠN VỊ BẠN ĐANG ỨNG TUYỂN: Bạn hãy dành thời gian tìm hiểu về đơn vị mình đang ứng tuyển nhé, điều này giúp chính bạn có được cái nhìn rõ hơn về đơn vị và đưa ra kết luận rằng bạn có phù hợp để công tác tại đơn vị đó hay không. Ngoài ra, khi được gọi đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường sẽ hỏi bạn rằng “bạn đã biết gì về họ”, nếu bạn trả lời “không” thì khả năng bạn trượt là chắc chắn, nếu bạn tỏ ra tường tận về họ, thì bạn đã bước đầu lọt vào mắt xanh của họ rồi đó.
3- HÃY TỎ RA MẠNH MẼ TRONG KHI PHỎNG VẤN: Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra một số khó khăn và thử thách bạn, hỏi bạn coi sẵn sàng làm việc không, sẵn sàng đối mặt với khó khăn không. Nếu bạn trả lời “không” hoặc bạn do dự thì sẽ trượt chắc hoặc ít nhất sẽ mất rất nhiều điểm trong đánh giá của nhà tuyển dụng. Vậy nên, hãy tỏ ra mạnh mẽ và sẵn sàng nhé bạn.
4- điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì: Nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn nêu điểm mạnh và điểm yếu. Hãy tập trung vào yêu cầu của vị trí ứng tuyển, bạn hãy nói lên những điểm mạnh của bạn để nhằm làm tốt công việc của vị trí đang ứng tuyển. Điểm yếu ư, họ hỏi đó nhưng họ không thích các bạn nêu quá nhiều điểm yếu đâu các bạn ạ, hãy nói về điểm yếu của mình một cách hời hợt thôi nhé, chẳng hạn “tôi là người kỹ càng trong công việc, nên đôi khi tôi bị trễ”.
5- HỎI VỀ ĐƠN VỊ CŨ, TẠI SAO LẠI BỎ VIỆC: Đừng bao giờ nói xấu chỗ cũ nhé bạn, hoặc bất cứ cái gì thiếu tích cực về đơn vị cũ, cực kỳ kiêng kỵ, hãy nói với họ rằng, đơn vị cũ của bạn rất tốt và bạn học được nhiều điều từ đó, bạn cảm ơn họ vì điều đó. Tại sao bạn nghỉ ư? giễ ợt, “tôi muốn có một công việc nhiều thử thách hơn để phát triển, muốn gặp gỡ nhiều bạn bè hơn, và tôi tin vị trí này đáp ứng nguyện vọng của tôi”
6- HÃY KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ CỦA MÌNH BẰNG CÁCH NÓI RÕ MỨC LƯƠNG MONG MUỐN: Nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn về mức lương mong muốn, bạn hãy chuẩn bị tốt cho câu trả lời này trước khi đi phỏng vấn nhé. Có thể tham khảo những người đang làm ở đó hoặc các vị trí tương đương. Nếu bạn không đưa ra được mức lương bạn mong muốn, hoặc bạn trả lời “bao nhiêu cũng được” thì bạn được đánh giá là không tự định giá được bản thân, nhưng nếu bạn đưa ra một con số quá cao thì khả năng bị đánh bại bởi các đối thủ khác hoặc bị đánh giá là “ảo tưởng”. Vậy nên, hãy chuẩn bị câu trả lời trước khi đi phỏng vấn, và hãy nói cho họ biết con số bạn muốn. Có thể là một khoảng nào đó, ví dụ “tôi thấy, mức lương từ 30 triệu đến 35 triệu là phù hợp với năng lực của tôi”. Đừng nói ra một khoảng rộng quá nhé bạn, nhà tuyển dụng sẽ chọn con số thấp nhất để trả cho bạn đấy bạn nhé.
Chúc các bạn thành công!