Bác sĩ bệnh viện công có nhiều tiền không? Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra và câu trả lời của bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội đưa ra là họ không nhiều tiền, đãi ngộ cho bác sĩ chưa xứng đáng.
Lương đánh đồng
Lương ngành y hiện đứng thứ 17 trong số 18 ngành nghề, được trả theo thời gian công tác với hệ số cứng nhắc, vừa thấp vừa cào bằng, không liên quan đến hiệu suất công việc, không động viên được những người có chuyên môn giỏi, bác sĩ khám 100 bệnh nhân thu nhập cũng chẳng khác gì so với khám cho 10 bệnh nhân. Bác sĩ Phúc cho biết anh ra trường được 18 năm, hiện tại tính tổng cả tiền lương, tiền trực, tiền phụ cấp khoảng 6 triệu đồng; ngoài ra không còn nguồn nào khác. Nếu chỉ trông vào khoản tiền này, thì bác sĩ làm ở bệnh viện công như bác sĩ Phúc và đồng nghiệp của anh có chờ hết cả cuộc đời cũng không thể mua được căn nhà đơn sơ để ở, chứ nói gì đến căn hộ tiện nghi hay chiếc xe sang trọng.
Nhưng dư luận vẫn luôn hỏi: Tại sao nhân viên y tế vẫn có cuộc sống thoải mái, thậm chí là sung túc, giàu có? Và bác sĩ Phúc đã có những phân tích về bác sĩ kiếm tiền như thế nào? Các bác sĩ ai cũng mong muốn không phải loay hoay lo làm thêm mà vẫn có cuộc sống sung túc nhưng điều đó là không thể có được. Vì thế mà một số bác sĩ có năng lực đã tìm mọi cách “vượt rào”, số đông nhân viên y tế loay hoay không biết làm gì.
Cách phổ biến để giúp gia đình, cuộc sống tốt hơn mà các bác sĩ vẫn thực hiện lâu nay đó là đi làm thêm ngoài giờ, việc này được pháp luật cho phép, được xã hội khuyến khích, coi đó là sự năng động của bác sĩ. Nhưng thực chất các bác sĩ vẫn đang vắt kiệt sức mình, tự bóc lột sức lao động của bản thân để mang lại đời sống về vật chất tốt hơn, tương lai chúng tôi sẽ phải gánh những hậu quả khôn lường. Buổi chiều rời bệnh viện, chúng tôi phải lao đi làm phòng khám đến 9 – 10 giờ đêm, làm kín cả thứ 7 và chủ nhật, thay vì làm việc 40 giờ mỗi tuần thì chúng tôi phải làm tới 60 giờ, thậm chí là 80 giờ.
Đánh đổi tất cả
Bác sĩ cũng có gia đình và họ cũng cần phải có trách nhiệm với gia đình như: dành thời gian gần gũi con cái tối thiểu 6 giờ mỗi ngày, có những bữa ăn tối đoàn tụ, có những ngày cuối tuần đưa gia đình đi chơi hay tham gia các hoạt động giải trí. Nhưng vì đồng lương eo hẹp mà một số bác sĩ phải đánh đổi tất cả những thứ đó, phó thác con cái cho nhà trường và người giúp việc, cắt giảm tối đa những sinh hoạt chung trong gia đình, hầu như không mấy ai sử dụng cả kì nghỉ phép để đi du lịch.
Hệ quả là: không dành đủ thời gian gần gũi con cái thì không thể có những đứa con phát triển tốt cả về nhân cách lẫn trí tuệ, ngôi nhà chỉ là chỗ ngủ qua đêm thì hạnh phúc gia đình ắt sẽ lung lay, kiến thức y học không được cập nhật thường xuyên vì công việc quá tải thì chuyên môn chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Số ít, tôi phải khẳng định là rất ít, những bác sĩ làm thêm ngoài giờ có chuyên môn giỏi ở tầm chuyên gia, thu nhập rất cao so với mặt bằng chung của bác sĩ, có cuộc sống thoải mái, sung túc. Họ là những người xứng đáng được hưởng như thế.
Một số bác sĩ, cũng không nhiều, có thêm thu nhập từ những chiếc phong bì. Và cũng không nhiều bệnh nhân biếu phong bì, ở các khoa điều trị không liên quan đến mổ xẻ thì càng ít, có khi cả tháng mới có một hai cái. Ở quê biếu bác sĩ vài chục ngàn, ở thành phố biếu một hai trăm ngàn, phong bì tiền triệu thì cực kì hiếm. Đã có những bác sĩ dù khó khăn nhưng vẫn nói không với phong bì, kể cả phong bì cám ơn sau khi điều trị mà họ được phép nhận. Chúng tôi từ chối phong bì một phần bởi người bệnh đến viện đã là sự khốn cùng, phần nữa là lòng tự trọng của chúng tôi đang bị xúc phạm, đang bị xã hội và truyền thông làm tổn thương ghê gớm.
Chỉ có một vài cá nhân đơn lẻ làm những việc khuất tất theo hướng có lợi cho túi tiền của họ, đến chừng mực nào đó họ sẽ bị đào thải ra khỏi guồng quay công việc. Y học là môn khoa học liên quan đến tính mạng con người nên có những quy định nghề nghiệp hết sức chặt chẽ, nó không cho phép những cá nhân xấu có thể đàng hoàng tồn tại trong hệ thống. Bất kì nền y tế nào cũng đều tuân thủ một nguyên tắc: các chính sách quản lí y tế luôn đứng về phía lợi ích của người bệnh và đi ngược lại với lợi ích kinh tế của thầy thuốc, công việc của một bác sĩ luôn được giám sát ngay từ lúc bắt đầu hành nghề.
Còn lại là số đông nhân viên y tế chỉ biết tận tụy với công việc ở bệnh viện, họ không thể tự xoay xở kiếm tiền. Vậy dư luận xã hội liệu có công bằng khi chỉ nhìn vào số ít bác sĩ ở bệnh viện lớn, thấy họ đang ngày đêm vắt kiệt sức lao động để có được căn nhà khang trang, có xe ô tô tốt để đi, có đủ tiền trang trải cho cuộc sống, mà đã vội kết luận bác sĩ chúng tôi có thu nhập cao hơn so với các ngành nghề khác?