Nghề Bác sĩ đa khoa
Cập nhật lần cuối 16:42:09 / 24-04-2020

Bác sĩ đa khoa là một bác sĩ điều trị các bệnh mãn và cấp tính, đưa ra các biện pháp phòng bệnh, hướng dẫn phục hồi sức khỏe và kê thuốc cho bệnh nhân.

Sự khác nhau giữa bác sĩ đa khoa và bác sĩ chuyên khoa hay bác sĩ giải phẫu đó là họ khám bệnh theo phương pháp tiếp cận toàn diện về thể trạng bệnh nhân cũng như môi trường sinh học, tâm lý và xã hội nơi bệnh nhân ở. Nhiệm vụ chuẩn đoán của họ không hạn chế vào một cơ quan nội tạng cụ thể của người khám, và bác sĩ đa khoa được đào tạo nhằm điều trị bệnh nhân với nhiều vấn đề sức khỏe mắc phải. Họ không giới hạn chữa trị theo giới tính, tuổi tác và mức độ phức tạp của căn bệnh mà họ sẽ điều trị phụ thuộc vào quy định ở từng quốc gia.

Vai trò của bác sĩ đa khoa thay đổi rất lớn giữa các quốc gia hay thậm chí trong mỗi quốc gia. Ở vùng đô thị của các nước phát triển vai trò của họ hẹp hơn và tập trung vào chữa trị các bệnh mãn tính, điều trị bệnh cấp tính nhưng không ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe; hoặc bác sĩ đa khoa có vai trò chuẩn đoán sơ bộ, phát hiện sớm và giới thiệu cho bệnh nhân đến một bệnh viện chuyên khoa, hoặc hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh hoặc thực hiện tiêm chủng. Trong khi đó, ở những vùng nông thôn của các nước đang phát triển hoặc phát triển, bác sĩ đa khoa có thể tham gia vào những ca sơ cứu khẩn cấp, hộ sinh; hoặc tại một số bệnh viện cấp huyện hoặc tỉnh họ tiến hành các ca phẫu thuật không phức tạp.

Ở một số nước phát triển thuật ngữ "bác sĩ đa khoa" (GP) đôi khi cũng đồng nghĩa với "bác sĩ gia đình"

Nói tóm lại, Bác sĩ Đa khoa được đào tạo toàn diện; có nhiệm vụ khám chữa bệnh tại các sơ sở y tế, điều trị và hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân tại nhà, thực hiện công tác phòng bệnh, giáo dục sức khỏe, tổ chức và quản lý các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học… 

Sinh viên theo học ngành Bác sĩ Đa khoa được cung cấp kiến thức đại cương chung khối B: Toán cao cấp, Xác suất - Thống kê, Vật lý đại cương, Sinh học, Hóa vô cơ, Hóa hữu cơ, Hóa sinh, Di truyền học… Các kiến thức cơ sở ngành: Giải phẫu học, Mô phôi, Sinh lý học, Hóa sinh, Vi sinh vật, Ký sinh trùng, Sinh lý bệnh, Miễn dịch, Dược lý học, Dịch tế học, Sức khỏe môi trường, Dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, Giáo dục sức khỏe, Kỹ năng giao tiếp, Tổ chức y tế, Chương trình y tế Quốc gia, Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Sức khỏe sinh sản…

Trên nền những kiến thức cơ sở đó, sinh viên sẽ được trang bị khối kiến thức chuyên sâu về: Y học lâm sàng, Y học hiện đại, Y học cổ truyền, Nội da liễu, Ngoại nội tiết, Huyết học, Nhi tâm thần, Nhiễm lao - Bệnh phổi, Nội thần kinh, Ngoại thần kinh, Tai - Mũi - Họng, Chấn thương Chỉnh hình mắt, Ung thư, Dược học cổ truyền, Dưỡng sinh, Châm cứu, Bệnh học, Chẩn đoán hình ảnh…

Một số tố chất cần có khi theo nghề Bác sĩ đa khoa:

- Lòng nhân hậu, thương người, sự cảm thông và chia sẻ

- Khả năng giao tiếp tốt, phong thái cởi mở, biết cách tạo sự tin cậy

- Có khả năng tự tổ chức công việc, tự học, tự nghiên cứu

- Kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ

- Có đôi bàn tay khéo léo, có sức khỏe tốt, đặc biệt có thần kinh vững vàng

- Học tốt môn sinh học, hóa học