Nhiều bác sĩ chọn nghề y nhưng trái tim họ không đủ mạnh mẽ để theo đuổi
Cập nhật lần cuối 10:56:57 / 29-08-2019

Bác sĩ Dương Minh Tuấn, một trong những bác sĩ trẻ tình nguyện đăng ký chương trình “Dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn’ của Bộ Y tế, đã mở đầu cuộc trò chuyện với Gia Đình Mới khá thẳng thắn và cởi mở.

"Năm thứ nhất đại học, một người bạn cùng khóa quyết định dừng việc học ngay buổi thực hành giải phẫu đầu tiên chỉ vì bạn không thể chịu nổi mùi phooc-môn ngâm xác, lại càng không dám nhìn xác người khô đặt trên bàn thí nghiệm.

Năm thứ hai đại học, một người bạn khác sau rất nhiều lần lấy hết dũng cảm để mổ chó trong giờ phẫu thuật thực hành, đã quyết định dừng học vì không chịu nổi mùi máu, không dám nhìn thấy máu.

Năm thứ ba đại học, một người bạn nữa khóc ngất khi chứng kiến một bệnh nhân đa chấn thương, chân tay gần như đứt lìa và dập nát vào cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức. Mấy ngày sau đó, bạn lại khóc ngất sau khi ép tim và chứng kiến một bệnh nhân qua đời. Bạn ấy xin dừng học.

Năm thứ tư đại học, một người bạn khác xin dừng học ngay vì không thể theo kịp khối lượng kiến thức đồ sộ phải học trong trường. Bạn không chịu được nữa nên bạn nghỉ.

Năm thứ năm đại học, một người bạn nữa xin nghỉ hẳn sau đợt nghỉ để điều trị bệnh. Hai tuần đi thực tập ở bệnh viện lao phổi, dù đã tuân thủ rất nghiêm ngặt về việc phòng bệnh nhưng rồi một ngày ho khạc đờm nhiều quá. Tình cờ đi khám bạn ấy biết mình cũng mắc lao. Và cả nhà bạn đã nhất quyết đồng tình với con quyết định thôi không học nữa.

Năm thứ sáu đại học, một cậu bạn phương xa nhảy từ tầng năm xuống tự tử, không cứu được. Trước khi đi, bạn để lại bức thư cho gia đình, nói rằng ở trường nhiều bạn học giỏi quá, nhiều thầy cô giỏi quá, áp lực học hành cộng thêm môi trường cạnh tranh quá khốc liệt khiến bạn không thể tìm thấy được lối thoát nào cho bản thân dù bạn cũng là một người học xuất sắc, chỉ là người giỏi sẽ có người giỏi hơn và bạn không chấp nhận được điều đó…

Và khi tốt nghiệp ra trường, nhiều người bạn của tôi đã quyết định không theo nghề nữa".

Bác sĩ Dương Minh Tuấn mở đầu cuộc trò chuyện của mình bằng những tâm sự của người đã tốt nghiệp ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội được gần 3 năm.

Người bác sĩ sinh năm 1991 bộc bạch, anh đã trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống về gia đình, sự nghiệp, tình cảm… Có những thời điểm anh không biết mình là ai và đang ở đâu. Anh hoang mang và bế tắc khi nghĩ tới con đường phía trước. Nhưng rồi, khi quay lại với bệnh viện, với màu áo blouse quen thuộc, ống nghe y tế, bệnh nhân… anh được “trình diễn” trên “sân khấu” của chính mình.

Chứng kiến sự bỏ cuộc của nhiều người bạn đồng môn trong 6 năm theo học tại trường ĐH Y Hà Nội, lại không thích chọn nghề này từ đầu, vậy cách nào anh vẫn hoàn thành được chương trình đào tạo y đa khoa?

- Trong 6 năm theo học, tôi tới các bệnh viện, tham gia công tác khám chữa bệnh nhưng chỉ là trách nhiệm. Trong tôi vẫn nhen lên tình yêu thương với mọi người, sự đồng cảm với người bệnh nhưng chưa đủ để thổi bùng thành niềm yêu thích và đam mê.

Khoảnh khắc anh nhận ra mình thực sự yêu nghề và muốn theo đuổi?

- Bố tôi mất cách thời điểm tôi tốt nghiệp ra trường chỉ 2 tháng. Tôi sụp đổ và có ý định bỏ cuộc. Nhưng rồi, tôi chợt nhận ra, mình phải tiếp tục học tập và làm việc để có thể giúp được những người bệnh, không còn cảnh ra đi đột ngột như trường hợp của bố mình. Tôi lao đầu vào học, công việc cũng là để vơi bớt nỗi buồn.

Tôi còn nhớ như in, trong một lần tham gia kíp cấp cứu, tôi là người ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân và cuối cùng bệnh nhân đó không qua khỏi. Tôi thấy buồn đến mức phải chạy ra ngoài hít thở.

Đúng lúc đó, một người đàn ông chạy đến ôm chầm lấy tôi và reo lên vui mừng: “Tôi vui quá bác sĩ ơi! Vợ và con tôi vừa vượt qua ca mổ đẻ khó”.

Cùng một thời điểm, chứng kiến sự ra đi của một người bệnh và một sự sống mới lại bắt đầu... Vậy tại sao mình cứ đắm chìm trong nỗi buồn mãi…

Đó chính là khoảnh khắc tôi nhận ra mình yêu nghề y và muốn trở thành bác sĩ.

Nhận sự Tư vấn Hỗ trợ Cấp Chứng chỉ hành nghề Y Dược tại Rolatex.net và Tuyendungyduoc.vn
Liên hệ: 096 229 3232 hoặc 0866 5959 32
Email: hotro@tuyendungyduoc.vn