Phải học 9 năm mới được làm bác sĩ
Cập nhật lần cuối 13:44:47 / 08-08-2019


Do đặc thù của nghề cứu, chữa người, sắp tới đây, sinh viên y khoa phải học liên tục 9 năm mới được cấp bằng bác sĩ chuyên khoa, đủ điều kiện để hành nghề.

Trong buổi thảo luận về Kinh tế - xã hội ngày 27/10 tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Luật Giáo dục đại học phải có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế.

Theo đó, sinh viên y khoa ngoài học sáu năm tại ĐH y khoa thì phải có ít nhất 2-3 năm học chuyên khoa và thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề mới có thể hành nghề, như vậy mới đảm bảo được chất lượng đào tạo và theo mô hình quốc tế.


Học trên 6 năm: Phù hợp với xu thế thế giới

Thông tin về vấn đề này, PGS.TS Trần Hùng - phó hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM - cho biết việc người bác sĩ có đủ điều kiện hành nghề phải học trên 6 năm là không mới trên thế giới. Việc này được bàn trong các hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH Y và các hội thảo đổi mới chương trình đào tạo y khoa trong nước theo hướng hội nhập quốc tế của Bộ Y tế.

Theo PGS.TS Trần Hùng, chương trình đào tạo y khoa hiện nay sinh viên chỉ học 6 năm thì tốt nghiệp, được cấp bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, chưa có đủ kỹ năng thực hành và điều kiện hành nghề. Các bác sĩ mới tốt nghiệp cần phải được đào tạo thêm về thực hành từ 18 tháng trở lên mới có khả năng thực hiện nhiệm vụ của một bác sĩ đa khoa và được cấp chứng chỉ hành nghề.

Việc đào tạo để trở thành bác sĩ chuyên khoa cần thời gian dài hơn nhưng trung bình là 3 năm. Đây cũng là cách thức đào tạo chung trên thế giới.

Như vậy, tối thiểu cần 9 năm để đào tạo ra một bác sĩ chuyên khoa, chưa kể các chuyên khoa sâu phải mất thời gian đào tạo lâu hơn. Chất lượng đào tạo y khoa ở nước ta hiện nay không đồng đều giữa các cơ sở đào tạo và chưa thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng khám chữa bệnh.

Vì thế, việc tăng cường đào tạo thực hành lâm sàng (18 tháng) và thi quốc gia lấy chứng chỉ hành nghề là điều cần thiết phải thực hiện để nâng cao chất lượng và chuẩn hóa các bác sĩ đa khoa.

Nhà trường sẽ kết hợp với các bệnh viện (BV) có đủ điều kiện để đào tạo thực hành theo mô hình trường viện được quy định trong Nghị định 111/2017 của Chính phủ. Chương trình đào tạo này góp phần nâng cao khả năng thực hành của đội ngũ bác sĩ hiện nay, cần thiết cho công việc trực tiếp liên quan đến sức khỏe con người.

PGS.TS Trần Hùng cũng cho rằng chính sách giáo dục cần tạo điều kiện cho người sau tốt nghiệp đi học thực hành tại BV có thu nhập ổn định để yên tâm học tập và phát triển kỹ năng. Tại các nước trên thế giới, bác sĩ tốt nghiệp ĐH, khi thực hành dưới sự hướng dẫn tại BV được hưởng lương tập sự.


Phân biệt rõ thành phần để đào tạo

BV Chợ Rẫy (TP.HCM) là đơn vị tiếp nhận số lượng lớn các sinh viên y khoa hoặc bác sĩ học chương trình nội trú, chuyên khoa thực hành.


BS Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Chợ Rẫy - cho hay BV luôn tạo điều kiện cho các sinh viên, bác sĩ ra trường học thực hành và xác định đây là việc tiếp sức cho thế hệ bác sĩ mai sau.

Theo BS Việt, với quy định hiện tại, bác sĩ đa khoa ra trường phải thực hành 18 tháng tại BV mới được cấp chứng chỉ hành nghề, được khám bệnh trực tiếp cho bệnh nhân, vị chi mất 7,5 năm.

Tuy nhiên, để được khám chuyên khoa phải tiếp tục mất thêm vài năm nữa. Cũng có những người học 6 năm xong không đi theo con đường khám chữa bệnh thì không cần thực hành. Do đó cũng cần phân biệt rõ hai thành phần để đào tạo.

Hiện tại, BV tiếp nhận sinh viên, người học thực hành tại BV theo cơ chế viện trường và trên tinh thần hỗ trợ qua lại là chính.

“Nếu chương trình học mới gắn việc học với đào tạo thực hành thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên không cần phải tự tìm nơi đủ điều kiện để thực hành.

Do đó, giữa nhà trường và BV cần có cơ chế chủ động phối hợp rõ ràng hơn và xác định thực hành tại BV là chương trình học. Học chuyên khoa có thể sẽ phải đi thực hành nhiều hơn” - bác sĩ Việt đề xuất.

Về vấn đề đãi ngộ, theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, các chính sách cũng cần xem xét mức lương của bác sĩ.

“Học ngành khác chỉ mất 4 năm, còn học bác sĩ kéo dài 8-9 năm mà mức lương khởi đầu cũng giống nhau thì không tạo động lực cho các bác sĩ. Vấn đề này cũng đã được Bộ Y tế kiến nghị xem xét” - bác sĩ Tăng Chí Thượng nói.

Nhận sự Tư vấn Hỗ trợ Cấp Chứng chỉ hành nghề Y Dược tại Rolatex.net và Tuyendungyduoc.vn
Liên hệ: 096 229 3232 hoặc 0866 5959 32
Email: hotro@tuyendungyduoc.vn