Rút ngắn thời gian đào tạo bác sĩ đa khoa?
Cập nhật lần cuối 11:06:37 / 03-08-2019

Thời gian đào tạo đại học y khoa sẽ kéo dài 5 năm thay vì 6 năm như hiện tại. Người tốt nghiệp ĐH y dược phải trải qua một kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ và sau đó phải có thời gian thực hành nghề nghiệp từ 1-3 năm trước khi được hành nghề khám chữa bệnh.

Đó là những điểm mới trong Khung giáo dục quốc dân trong lĩnh vực y tế do Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) đề xuất, được nêu ra tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường y dược Việt Nam chiều ngày 26/8.


Đào tạo đại học y dược từ 3-5 năm

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016 đã quy định thời gian đào tạo ĐH là từ 3-5 năm.

Trên cơ sở đó, ông Lợi đề xuất, thời gian đào tạo đại học y dược sẽ phân thành 2 loại: Loại 1 sẽ kéo dài 4 năm đối với các ngành điều dưỡng, y tế công cộng, kỹ thuật y học và các hệ cử nhân khác.

Loại 2 là ngành y khoa, răng hàm mặt và dược sẽ có thời gian đào tạo là 5 năm (tối thiểu là 150 tín chỉ) tương đương trình độ bậc 7 trong Khung trình độ quốc gia (tương đương thạc sĩ). 

Ngành y học cổ truyền và y học dự phòng sẽ không đào tạo thành mã ngành riêng như hiện nay nữa.

Theo đề xuất này, những người tốt nghiệp ĐH y dược sẽ phải trải qua kỳ thi cấp quốc gia để lấy chứng chỉ hành nghề sau đó phải trải qua thời gian thực hành nghề nghiệp từ 1-3 năm tùy theo từng ngành trước khi được hành nghề chính thức.

Cụ thể, với các ngành điều dưỡng, kỹ thuật y học, sẽ có thời gian thực hành là 1 năm. Còn đối với ngành y khoa, răng hàm mặt và dược thì thời gian thực hành sẽ kéo dài tới 3 năm. Một điểm mới trong đề xuất của đại diện Bộ Y tế là tiêu chuẩn đầu vào đối với tất cả các cấp đào tạo y dược (từ trung cấp trở lên) đều phải là tốt nghiệp THPT (hết lớp 12).

Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến của thành viên hội đồng đều cho rằng, không nên rút thời gian đào tạo các trường y và thậm chí kể cả dược xuống 5 năm, mà nên giữ thời gian 6 năm.

Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, trên thế giới hiện có 3 mô hình chủ yếu về đào tạo y khoa, gồm: mô hình 4+4 của Mỹ, 5 năm của Anh và một vài nước, còn lại 6 năm là mô hình phổ biến. 

"Tôi vẫn đề nghị đào tạo y khoa phải đào tạo 6 năm. Trong bối cảnh đào tạo ĐH ở nước ta vẫn còn một số nội dung bắt buộc không thể bỏ đi được mà lại cắt giảm thời gian đào tạo thì không ổn" - ông Hinh nói. 

"Trong lịch sử đào tạo y khoa của chúng ta, ngay cả trong những năm chiến tranh ác liệt nhất cũng chỉ có 1-2 khóa đào tạo y khoa 5 năm. Sau đó, các thầy yêu cầu làm lại đúng chương trình 6 năm cho đến tận ngày hôm nay". Còn ông Phạm Văn Thức, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Hải Phòng nhận định, hiện nay các trường đang đào tạo y đa khoa 6 năm, các nước cũng đều đào tạo 6 năm. Do đó, nếu Việt Nam lại rút xuống 5 năm thì sẽ không hội nhập. 

Ông Nguyễn Minh Lợi giải thích, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã được ban hành. Hiện tại, Luật Giáo dục Đại học cũng đang được sửa đổi và nếu vào năm 2018, quy định này được luật hóa thì thời gian đào tạo các trường ĐH y dược đương nhiên phải là 5 năm.

Bên cạnh đó, theo ông Lợi, không nên tiếp cận theo cách thời gian đào tạo ĐH y dược là bao lâu mà phải tiếp cận theo hướng, để trở thành bác sĩ thì phải học bao lâu. Theo đó, thời gian để một người trở thành bác sĩ theo đề xuất mới vẫn phải mất 8 năm trong khi hiện tại mất khoảng 7,5 năm.

Trong khi đó, ông Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM đề xuất nên tách thời gian đào tạo ở các trường ĐH y dược thành 2 hệ: Hệ 4 năm dành cho cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học và hệ 4+2 (4 năm cộng 2 năm) cho y khoa, răng hàm mặt và dược. 

Sau khi kết thúc 4 năm thì những người học y khoa sẽ được cấp bằng cử nhân y khoa, sau đó phải học thêm 2 năm nữa để được cấp bằng bác sĩ y khoa. Lúc này, trình độ của người tốt nghiệp bác sĩ y khoa sẽ tương đương với trình độ thạc sĩ trong khung trình độ quốc gia.


Phải thi chứng chỉ hành nghề ngay sau tốt nghiệp

Bên cạnh thời gian đào tạo, việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia để được cấp chứng chỉ hành nghề do Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức là chủ đề được bàn luận sôi nổi tại hội nghị hội đồng các hiệu trưởng trường y dược. Theo ông Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, sinh viên y khoa sau khi học 6 năm trong trường, thực hành 18 tháng trong bệnh viện sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần và có giá trị vĩnh viễn.

Trong bối cảnh đào tạo y khoa hiện nay, việc tổ chức một kỳ thi cấp quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ, dược sĩ là rất cần thiết để đảm nâng chất lượng đầu ra, đảm bảo an toàn cho người bệnh. 

Điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 75, quy định cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Y tế vừa ban hành hồi tháng 6 vừa qua.

"Hiện nay, Lào và Campuchia cũng đã có quy định rồi, chỉ có Việt Nam là vẫn chưa có" - ông Cường cho hay.

Nhận sự Tư vấn Hỗ trợ Cấp Chứng chỉ hành nghề Y Dược tại Rolatex.net và Tuyendungyduoc.vn
Liên hệ: 096 229 3232 hoặc 0866 5959 32
Email: hotro@tuyendungyduoc.vn