Trình dược viên thời cấm cửa
Cập nhật lần cuối 10:07:57 / 12-07-2019

Hơn 11 giờ trưa, anh Thanh Bình, trình dược viên một hãng dược Pháp đi vội vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Bình bảo: "Đi ngoại giao! Dạo này bệnh viện nào cũng làm căng với trình dược viên nên phải thay đổi chiến thuật. Thay vì đến buổi sáng, tớ phải đi vào buổi trưa như thế này đây!".

Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM, nơi có quy định bác sĩ không được tiếp xúc với trình dược viên trong giờ khám bệnh, hiện không còn cảnh trình dược viên ôm cặp to đùng chen lấn với bệnh nhân trước cửa phòng khám để vào gặp cho được bác sĩ. Địa điểm gặp gỡ bây giờ là các lối đi gần khu phòng khám. 8 giờ bác sĩ vào khám bệnh thì từ 7h30 đã thấy từng nhóm trình dược viên đứng "canh" ngay chân cầu thang. Họ không mang cặp nữa mà đi tay không hoặc đeo túi xách, trên tay có thể là những tờ bướm và cây bút có in tên thuốc.

Thấy bác sĩ vừa bước xuống cầu thang, lập tức trình dược viên chạy đến, nói nhỏ gì đó, bỏ vào túi áo bác sĩ 1-2 lọ thuốc mẫu và không quên nhắn nhủ: "Đừng quên công ty em nhé!". Trên đường đến phòng khám chưa đầy 5 phút, có bác sĩ phải tiếp chuyện đến 3 trình dược viên của 3 công ty khác nhau, người nào cũng tặng thuốc mẫu và dặn dò kiểu "Xin đừng quên em!". Hơn 8h, khi các phòng khám vang lên tiếng loa gọi tên bệnh nhân cũng là lúc các trình dược viên rời khu vực phòng khám, di chuyển đến nhà thuốc của bệnh viện. "Mục đích là kiểm tra xem bác sĩ có kê thuốc của mình giới thiệu không đó mà!", Linh, trình dược viên của công ty R. bật mí.

Bệnh viện Nhân dân 115 cũng có chủ trương không cho bác sĩ tiếp xúc với trình dược viên trong giờ làm việc. Mặc dù vậy, nhiều trình dược viên vẫn hay đi qua lại khu phòng khám. "Chủ yếu là cho bác sĩ nhìn thấy mặt mình để nhớ kê đơn", một trình dược viên của công ty T. cho biết.

Các trình dược viên ở TP HCM "ngán" nhất là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y - Dược và Trung tâm Chẩn đoán y khoa. Thế nhưng không phải vì thế mà họ không thể vào gặp bác sĩ được. Cách để "danh chính ngôn thuận" vào gặp trực tiếp bác sĩ mà trình dược viên áp dụng tại các bệnh viện này là đóng vai bệnh nhân. Họ nhất thiết phải đến bệnh viện vì nhà hay phòng khám riêng của bác sĩ chỉ là nơi thỏa thuận, tặng quà hoặc chi hoa hồng; còn bệnh viện là nơi kê đơn nhiều nhất nên phải đến "nhắc nhở".

Mặc dù vậy, vẫn có trình dược viên ít phải đến bệnh viện. Có người cả mấy tháng trời không xuất hiện ở bệnh viện mà vẫn đủ doanh số. Đó là do họ phụ trách những mặt hàng đặc biệt mà chỉ có những bác sĩ nổi tiếng hoặc chuyên gia đầu ngành mới có thể kê đơn; vì vậy họ chỉ cần gặp riêng là ổn.

"Có thể lấy lòng bác sĩ bằng việc mời đi ăn, tặng thuốc mẫu nhưng để bác sĩ kê đơn thuốc của mình thì chưa đủ. Phải chi hoa hồng hẳn hoi", trình dược viên Linh khẳng định.

Theo tiết lộ của một trình dược viên nữ phụ trách một loại thuốc đặc trị bệnh viêm gan, nếu bệnh nhân có chỉ định tiêm thuốc này thì phải tiêm liên tục 6-12 tháng, mỗi tuần một lần với chi phí hơn 3 triệu đồng/lần. Nhưng "thuốc vẫn được kê đơn đều đều", trình dược viên này thậm chí còn được thưởng vượt doanh số mà không cần đến bệnh viện nhắc nhở bác sĩ. Chị cho biết "hoa hồng đậm" là một yếu tố của thành công...

Ngay việc chi hoa hồng cũng có sự cạnh tranh gay gắt giữa các trình dược viên. Nhiều trình dược viên phụ trách các thuốc điều trị tim mạch hoặc kháng sinh tâm sự rằng họ rất vất vả trong việc nghĩ cách làm sao để bác sĩ kê đơn cho nhiều. Do những mặt hàng loại này đang có quá nhiều trên thị trường nên ngoài điều kiện thuốc tốt, trình dược viên còn phải biết "chơi đẹp" mới mong thuốc của mình được kê. Chẳng hạn, hiếm có bác sĩ nào từ chối kê đơn kháng sinh dạng uống C. vì mức hoa hồng lên đến 40.000 đồng/đơn. Thường khi kê thuốc này, bác sĩ chỉ định bệnh nhân dùng liên tục trong 7 ngày gồm 14 viên, giá mỗi viên bán tại nhà thuốc là 8.000 đồng. Như vậy, khi bệnh nhân trả 112.000 đồng để mua thuốc, họ đã thay trình dược viên trả công cho bác sĩ 40.000 đồng. Vì vậy, "hoa hồng" tiếng là từ trình dược viên nhưng thực tế số tiền đó là do bệnh nhân trả. Dĩ nhiên, trong giá thuốc mà bệnh nhân mua cũng đã tính đủ các loại hoa hồng này.

Nhiều loại thuốc khác cũng đang được áp dụng hình thức chi hoa hồng 40.000 đồng/đơn là thuốc trị bệnh khớp R., thuốc điều trị viêm dạ dày do vi trùng B.. Những bác sĩ kê đơn thuốc trị nhiễm khuẩn L. được hưởng hoa hồng 25%.

Không chỉ mua chuộc bác sĩ, hầu hết trình dược viên còn phải lấy lòng y tá, nhân viên khoa Dược và nhà thuốc. Một bác sĩ kể, mới đây một trình dược viên đến gặp và gợi ý ông kê đơn với lời động viên: "Em đã lo chỗ phát phiếu (y tá) rồi. Cô ấy hứa sẽ sắp xếp cho nhiều bệnh nhân vào phòng bác sĩ để bác sĩ tha hồ kê đơn". Thông thường, trình dược viên chi hoa hồng cho bác sĩ dựa vào những thông tin được tiết lộ từ y tá, khoa Dược và nhà thuốc. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đều cho lưu lại đơn thuốc của bác sĩ để kiểm tra. Từ mối quan hệ với nhân viên vi tính, trình dược viên sẽ biết được bác sĩ nào kê thuốc của mình, số lượng bao nhiêu. Sau đó, họ hỏi khoa Dược hoặc nhà thuốc bệnh viện sẽ ra số lượng thuốc được tiêu thụ.

Đối với trường hợp bệnh nhân không mua thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện thì kiểm tra bằng cách nào? Một trình dược viên của công ty cho biết: "Trong trường hợp đó thì phải bấm bụng chịu thất thoát và chi theo số lượng mà bác sĩ tổng kết. Dù bệnh nhân có thể không mua thuốc của hãng khác hoặc mua ít hơn liều trong đơn nhưng trình dược viên vẫn chi hoa hồng đầy đủ cho bác sĩ, bởi nếu không chơi đẹp thì có thể bác sĩ không kê đơn nữa".

Theo tiết lộ của một bác sĩ tại bệnh viện "hạng hai", tuy không "bắt tay" với trình dược viên nhưng ông vẫn được họ chủ động "biếu" mỗi tháng hơn 2 triệu đồng do có dùng thuốc của họ. Anh Hoài, trình dược viên phụ trách một loại thuốc đặc trị thì khẳng định, số tiền trên (2 triệu đồng) mới chỉ bằng 1/15 số tiền hoa hồng mà anh chi cho mỗi bác sĩ hằng tháng.

Thời gian qua, các bệnh viện đã có nhiều cố gắng ngăn chặn tiêu cực trong vấn đề kê đơn của bác sĩ và không phải bác sĩ nào cũng bắt tay với trình dược viên; nhưng tình trạng chi hoa hồng vẫn diễn ra, thậm chí càng cấm càng "dữ dội hơn", như một trình dược viên khẳng định. Nguyên nhân là trong tình hình các bệnh viện "làm căng", trình dược viên chỉ còn cách chung chi nhiều hơn bình thường mới mong lôi kéo được bác sĩ.

Nhận sự Tư vấn Hỗ trợ Cấp Chứng chỉ hành nghề Y Dược tại Rolatex.net và Tuyendungyduoc.vn
Liên hệ: 096 229 3232 hoặc 0866 5959 32
Email: hotro@tuyendungyduoc.vn